Apple và Meta vừa hứng chịu án phạt từ EU, sau những lời đe dọa trả đũa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai “gã khổng lồ” công nghệ Apple và Meta vừa phải nhận những án phạt tương đối “khiêm tốn” từ Liên minh châu Âu (EU) với tổng số tiền 700 triệu Euro (798 triệu USD) vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền mới được áp đặt lên các công ty Big Tech. Động thái này diễn ra sau những cảnh báo về sự trả đũa mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Apple, Meta dính án phạt do vi phạm các quy định về chống độc quyền tại Châu Âu. Ảnh: ShutterStock.
Các nhà quản lý của EU đã đưa ra mức phạt 500 triệu Euro đối với Apple và 200 triệu Euro đối với Meta theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), một bộ quy tắc bao gồm danh sách những điều nên và không nên làm dành cho các “ông lớn” tại Thung lũng Silicon.
Mức phạt lần này thấp hơn đáng kể so với các án phạt trước đây theo luật cạnh tranh truyền thống của EU. Giới chuyên gia nhận định đây là một động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa EU với Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump gần đây đã công bố hàng loạt biện pháp thuế quan nhắm vào các nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đặc biệt chỉ trích các quy định công nghệ của EU là một “rào cản thương mại” mà chính sách “thuế quan đối ứng” của ông hướng tới.
Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Apple đã ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng dẫn đường link từ App Store của hãng sang các nền tảng bán hàng bên ngoài.
Tương tự, mô hình kinh doanh dịch vụ không quảng cáo của Meta trên Instagram và Facebook cũng bị EC đánh giá là vi phạm luật công nghệ, cho phép cơ quan quản lý có quyền áp mức phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty này.
“Apple và Meta đã không đáp ứng được yêu cầu, tất cả công ty hoạt động tại EU phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi và tôn trọng các giá trị của châu Âu”, bà Teresa Ribera, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố.
Đây là những án phạt đầu tiên được đưa ra theo DMA. Cả hai công ty phải tuân thủ quyết định của EU trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phạt thêm.
Apple còn bị cảnh báo rằng cấu trúc phí mới dành cho giới phát triển ứng dụng của họ – vốn được thiết kế để tuân thủ các quy định của EU – vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu trong bộ quy tắc dành cho Big Tech của khối này.
Apple đã phản ứng gay gắt đối với án phạt của EU, đồng thời cáo buộc các nhà quản lý của khối phân biệt đối xử với công ty. Táo Khuyết cũng cho biết sẽ kháng cáo án phạt lên tòa án EU. Chỉ trong năm 2024, công ty này đã bị EU phạt 1,8 tỷ Euro (hơn 2 tỷ USD) vì ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh dịch vụ phát nhạc trực tuyến trên iPhone.
Meta cũng đáp trả, cho rằng EU “đang cố gắng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ thành công trong khi cho phép các công ty Trung Quốc và châu Âu hoạt động theo các tiêu chuẩn khác nhau”.
Dù vậy, Apple cũng ghi nhận một diễn biến tích cực khi các nhà giám sát EU đã khép lại cuộc điều tra về độc quyền trình duyệt trên iPhone sau khi hãng cho phép nhiều tùy chọn trình duyệt hơn cho người dùng.
Trong một động thái khác, các nhà quản lý EU cũng đã quyết định không nhắm mục tiêu vào Chợ Facebook (Marketplace) theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Trước đó, Meta đã phải chịu mức phạt 798 triệu Euro (919 triệu USD) vì cáo buộc lạm dụng dịch vụ này vào năm ngoái theo luật chống độc quyền thông thường.
Trong những năm gần đây, EU đã áp đặt các mức phạt nặng nề đối với nhiều công ty, bao gồm hơn 8 tỷ USD tiền phạt đối với Google và một lệnh riêng buộc Apple phải trả lại khoản thuế 13 tỷ Euro cho Ireland.
Theo các quy tắc chống độc quyền, EU cũng đã buộc những thay đổi đối với nền tảng thương mại điện tử Amazon, đồng thời đang điều tra phần mềm họp trực tuyến Teams của Microsoft.
Theo Việt Anh (znews)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vi sinh vật học (wiki), với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho giáo dục và nghiên cứu. Ông là con trai Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, thuộc gia đình nổi tiếng hiếu học. Giáo sư giữ nhiều vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010.
Open this in UX Builder to add and edit content