Ngày 29/4/1975, ta giải phóng quần đảo Trường Sa, tổng tiến công trên toàn mặt trận Sài Gòn – Gia Định.
9h ngày 29/4/1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Quân chủng hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên mũi tiến công hướng biển, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
10h cùng ngày, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch.
Lực lượng Đặc công hải quân Đoàn 126 tuần tra tại khu vực cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Trên hướng Đông Nam, từ 4h30 phút, Quân đoàn 2 bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. 5h30 phút, Sư đoàn 304 tiến công dứt điểm địch ở Trường Bộ binh, bãi để xe thiết giáp ở căn cứ Nước Trong và ngã ba Long Bình.
Đến 10h, Trung đoàn 9 chiếm ngã ba đường 15, sau đó toàn bộ Sư đoàn 304 theo đường 15 chiếm cầu Sông Buông, căn cứ Long Bình. Binh đội thọc sâu nhanh chóng vượt lên trước, bắt liên lạc được với Đoàn đặc công 116 giữ cầu Ðồng Nai, chuẩn bị đột phá vào nội đô.
Trên hướng Đông, sáng 29/4, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) có xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Cùng thời gian trên, binh đội thọc sâu của Quân đoàn là Sư đoàn 7 theo đường 1 tiêu diệt Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến và một bộ phận Trung đoàn 82 (Sư đoàn 18 ngụy) cách Hố Nai 1.500m, sau đó đột phá qua Tam Hiệp và đẩy nhanh tốc độ tiến công.
Phối hợp với chủ lực hai hướng này, lực lượng vùng ven hoạt động khá hiệu quả. Trong ngày 29/4, Ðoàn đặc công 116 tập kích vào bộ chỉ huy tiếp vận của địch ở tây nam Long Bình, kho xăng Long Bình và tổ chức chốt giữ cầu xa lộ Ðồng Nai. Ðoàn đặc công 115 chiếm cầu Ghềnh lần hai. Ðoàn 10 đặc công đánh chiếm Phước Khánh, ngã ba Ðồng Tranh, bắn cháy 10 tàu địch trên sông Sài Gòn.
Trên hướng Tây Bắc, Trung đoàn 198 đặc công (Quân đoàn 3) đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và đánh tan Tiểu đoàn 81 biệt kích dù rồi bàn giao cho đại đội 10 (Trung đoàn 64) chốt giữ.
Trên hướng Tây và Tây Nam, đêm 29/4, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 triển khai đội hình ở khu vực Bà Lác – tuyến đê Đại Hàn. Trung đoàn 28, Trung đoàn 24, Tiểu đoàn Bộ binh tỉnh Long An mở rộng địa bàn đứng chân lên phía Cần Giuộc, Hưng Long, chuẩn bị thọc sâu vào nam Sài Gòn.
Cuối ngày 29/4, trên toàn chiến trường, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân địch. Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.
Tại miền Tây Nam Bộ, theo kế hoạch hiệp đồng với chiến dịch Hồ Chí Minh, các lực lượng chủ lực, địa phương phối hợp với nhân dân các tỉnh, huyện tiến công các căn cứ, cơ sở địch, giải phóng địa phương mình.
Theo Thiên Bình (VTC News)
Nguồn: https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-29-4-1975-giai-phong-quan-dao-truong-sa-ar940574.html
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vi sinh vật học (wiki), với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho giáo dục và nghiên cứu. Ông là con trai Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, thuộc gia đình nổi tiếng hiếu học. Giáo sư giữ nhiều vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010.
Open this in UX Builder to add and edit content